Cá hố nên chọn loại phơi thật khô, vừa con, không quá nhỏ cũng không quá lớn. Nếu nhỏ thì xương nhiều, nếu lớn thì phải chặt thành khúc mới vừa ăn. Món canh chua này có thể dùng me, khế để làm vị chua nhưng “đúng” nhất là cơm mẻ (loại cơm ủ lâu ngày). Để cho món canh chua này trở thành “khoái khẩu”, nên hái bắp chuối sau nhà làm “bổi”, như thế thịt của khô mới giữ mãi, không bị “mất mùi”. Ngoài các gia vị nêm nếm như các món canh chua, cần nêm thật nhiều rau thơm, quế hay rau om sau vườn để hương vị tỏa ra ngào ngạt. Khi nấu xong, cho 1 muỗng canh nước mắm ngon vào trong nồi, trước khi múc vào tô lên bàn ăn. Nhớ lại những ngày nghèo khó, mẹ tôi thường mua sẵn vài kí khô cá hố treo trên bếp; mỗi khi không có “đồ ăn” chúng tôi ra sau vườn hái cái bắp chuối xiêm vào nấu canh chua. Món này dễ làm, lại ăn ngon nên anh em tôi đứa nào cũng thích. Có lần, nhà hết cơm mẻ, mẹ tôi dùng me để nêm vị chua thay thế, vậy mà chúng tôi không đứa nào chịu ăn cả. Má tôi thấy vậy nên nói rằng, ráng ăn cho qua bữa hôm nay, má sẽ “nuôi” 1 keo cơm mẻ thật lớn để dự phòng. Kể từ đó, trong nhà tôi không lúc nào không có cơm mẻ cả; nên chúng tôi thỏa thích thưởng thức đúng món canh chua khô cá hố khoái khẩu hằng ngày. Món ăn quê này ngon nhất là ăn vào những buổi chiều có mưa lắc rắc. Húp nước canh chua nước màu trắng đục mà nghe ấp ấp lạ kì. Mùi vị của nó thật đặc biệt, ngọt lành mùi cá hố, chát chát vị bắp chuối, chua chua vị cơm mẻ để lâu hấp dẫn vô cùng. Chấm con cá hố với nước mắm ớt xanh cay xé lưỡi giữa mùa đông giá rét, thú vị biết chừng nào! Món ăn này, mẹ tôi còn dùng để giải cảm cho chúng tôi, mỗi khi có đứa nào bị cảm lạnh là mẹ tôi lại hái bắp chuối nấu canh chua với khô cá hố; vậy mà chúng tôi ăn xong, toát mồ hôi khắp người rồi hết bệnh, hiệu quả vô cùng. |