Ở thôn quê miền Tây Nam Bộ trước đây, trong những lúc cùng túng thức ăn, hoặc nhiều lúc muốn thay đổi khẩu vị, người ta thường… kho quẹt để ăn cơm.
Món ăn đã nói ngay phương thức chế biến của nó là kho. Còn quẹt là khi thưởng thức, người ăn buộc phải dùng đũa để vét vào nồi kho. Dân gian còn kể có nhà nghèo, ăn cơm kho quẹt mòn đũa. Bởi đũa tre quẹt mãi vào nồi đất không mòn sao được. | Cơm cháy ăn với kho quẹt. |
|
Ngày nay, khi kinh tế thị trường phát triển, nhiều nhà hàng sang trọng mọc lên, nhiều lữ khách đến đây thưởng thức đầy đủ “sơn hào hải vị”, nhưng lạ lùng là họ vẫn không thể quên món kho quẹt độc đáo này. Trở về quá khứ ngày xưa, món kho quẹt đơn giản gắn liền với đời sống tự túc, tự cấp. Nhà thắng mỡ heo để dành chiên cá, trứng... Khi túng ngặt thì lấy tóp mỡ cho vào nồi, thêm nước mắm, ít đường, bột ngọt, hành xắt nhỏ, tiêu xay... cứ vậy bắc lên bếp than để nhỏ lửa cho đến khi nồi kho cạn sền sệt, đem ra quẹt ăn với khoai lang, khoai mì, sang hơn thì có nồi cơm nóng với xoong canh rau tập tàng... | |
|
Ngày nay, cơ bản cái nền của món ăn vẫn vậy, có điều món ăn hay được nhắc, dùng nhiều nhất khi tiết trời lành lạnh, hoặc đã sang đông. Khi kho người ta xắt nhỏ thịt ba rọi thay cho tóp mỡ, thêm vào nồi kho ít tôm khô... Có khi mua được mớ cá cơm thì nồi kho càng ngon. Việc ướp cá, thịt cũng cầu kì hơn. Người ta rắc đường cát vào ướp với nước mắm ngon. Chờ một thời gian khá dài để cá cứng và khi kho thì giữ được độ trong cần thiết. Nhiều người muốn có độ sánh đậm đặc còn thêm vài muỗng nước cơm chắt. Nồi kho sền sệt, thêm những củ hành tím xắt lát mỏng tạo mùi thơm lựng... Món kho quẹt này thường ăn kèm với đậu bắp, rau muống hoặc bầu luộc. Đã miệng hơn thì có thêm dề cơm cháy vàng ươm, giòn khướu. Từ tâm lý tận dụng và thiết thực của người dân lao động, dân gian đã lưu giữ và truyền lại món ăn ngon, hấp dẫn và xem ra cũng đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Món kho quẹt cũng có thể nhâm nhi cùng vài ly bia để tình thâm bằng hữu càng thêm ngọt ngào thắm thiết. | |
|